Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Người rách bóng, Thái Bá Tân

NGƯỜI RÁCH BÓNG


Dạo ấy tôi trẻ và còn hăng lắm. Chưa vấp váp, chưa khổ đau, cứ  ngẩng cao đầu bước đi giữa phố. Những bước đi tự tin không biết sợ, và thường được nhấn thêm bằng đế đôi giày da bóng lộn.

Một hôm tôi chững chạc bước như thế trong công viên thành phố, còn thích thú di di gót giày sau mỗi bước đi. Lúc ấy là xế chiều một ngày đầu đông nắng đẹp. Công viên ít người, gió từ hồ Bẩy Mẫu thổi nhẹ, các luống hoa mới được tưới tươi rói, không tỏa mùi hương, mà mùi đất hăng nồng. Vâng, tôi bước đi như thế với cảm giác lâng lâng, yêu đời và yêu mình.

 Ối! Bỗng ai đó kêu lên đau đớn.

Tôi giật mình đứng lại. Trên ghế đá ngay bên cạnh có người đang ôm mặt nhăn nhó. Ðó là một ông già khoảng sáu mươi lăm, bảy mươi tuổi, tóc bạc gần hết, đeo kính mắt tròn gọng kim loại, mặc bộ vét màu lông chuột đã cũ nhưng khá tươm tất, tuy hơi rộng so với thân hình gầy yếu của ông. Chiếc cà vạt rất ngay ngắn trên cổ nhưng hơi nhàu. Chiếc mũ phớt dạ bóp lõm phía trước đã sờn bóng ở các mép gờ. Chiếc ba-toong tựa bên ghế, hơi ngắn vì dùng nhiều đã mòn, tay cầm cong cong khảm bạc. Tóm lại, vẻ ngoài của ông toát ra cái gì đấy cổ kính một cách lạc lõng, một trí thức cũ không muốn hoặc không thể hòa nhập với cuộc sống mới.

Tôi nhìn đôi mắt sáng ươn ướt chắc vì đau của ông già:

 Thưa bác, có chuyện gì thế ạ?

Ông già ngước nhìn lên. Một khuôn mặt nhân hậu đầy nếp nhăn và những nốt đồi mồi.

 Anh đang dẫm lên bóng tôi, anh bạn trẻ ạ. - Ông nói bằng tiếng Pháp. - Xin làm ơn bước sang bên!

 Dẫm lên bóng? - Tôi ngạc nhiên thầm nghĩ. - Dẫm lên bóng mà lại đau, đến mức phải ôm mặt?  Chỉ lúc ấy tôi mới để ý thấy chiếc bóng ông dưới chân mình. Mặt trời đã ngả về tây, không bị mây che nên sáng rực, chiếc bóng vì vậy khá dài, dù ông ngồi trên ghế. Tôi dẫm đúng vào vai chiếc bóng ấy.

 Vâng, xin làm ơn đứng xê ra hộ. Nhanh lên!

Tôi vội lùi lại. Thật kỳ lạ. Chiếc bóng của ông bị kéo rê theo gót giày tôi, như thể nó dính vào đấy. Trong khi đó, ông già cúi xuống, nhẹ nhàng làm động tác luồn hai tay nâng chiếc bóng lên, kéo về phía mình. Rồi ông nhỏm dậy bảo tôi giơ chân để ông gỡ một góc chiếc bóng khỏi đế giày. Thì ra nó bị vướng một chiếc đinh. Thời đó, để gót giày không bị mòn vẹt, người ta thường đóng một lớp cao su bên dưới. Lớp cao su của tôi bị sứt một góc, để lộ mấy chiếc đinh. Chắc vì thế nó mới làm ông già đau.

 Anh xem này, nó bị thủng mấy chỗ!  - ông già nói rồi giơ ngón tay chỉ, nhưng tôi không thấy gì.

Tôi nhìn ông nâng niu đỡ chiếc bóng trên tay, ngạc nhiên đến mức không thốt nên lời. Trông nó như tấm vải phíp thật mịn, mỏng và nhẹ, màu xanh thẫm chứ không hoàn toàn đen như thoạt tưởng.

 Lần sau xin anh nhẹ chân và cẩn thận nhìn xuống lúc đi đường . Ông già khẽ nói, vẫn bằng tiếng Pháp, thứ tiếng Pháp của những năm bốn mươi thế kỷ trước.

Ông thận trọng trải chiếc bóng xuống đất vào vị trí cũ.

Không phải không thoáng lo sợ, tôi ấp úng xin lỗi rồi vội bỏ đi, vẫn chưa hết bàng hoàng với những gì mới xẩy ra.

Nửa tháng sau tôi lại đi dạo trong công viên, lại thấy ông già ấy ngồi sưởi nắng trên chiếc ghế đá quen thuộc. Dưới chân ông là chiếc bóng đang lặng lẽ nằm yên. Tôi bước nhẹ chân, cố không dẫm lên nó.

 Cảm ơn , ông già nói khi nhận ra tôi, mỉm cưòi yếu ớt.

Cảm ơn vì tôi đã tránh không dẫm lên chiếc bóng! Thấy ông thân thiện, tôi nhìn xuống nửa ghế trống ra ý muốn ngồi cùng. Ông gật đầu. Thực ra tôi chẳng hào hứng gì khi tiếp xúc với một người kỳ dị như ông, nhưng sự tò mò không cho phép cưỡng lại.

Trông ông có vẻ ốm yếu hơn trước, như người đang bệnh, lưng hơi còng, đôi mắt sáng có phần đờ đẫn.

 Không ngờ cú dẫm của anh hôm nọ làm tôi đau đến thế. - Ông nói. - Nhưng tôi không trách, vì anh chỉ vô tình. Người trẻ thường hay vô tình .

 Cháu xin lỗi, - tôi đáp. - Thế... Thế cái bóng của bác lành lại chưa ạ?

 Chưa. Tồi tệ hơn, vết thương còn lây sang chỗ khác. Nên tôi mới thế này .

Tôi do dự một chốc rồi rụt rè hỏi điều cứ làm tôi băn khoăn mãi:

 Thú thật với bác, cháu không hiểu vì sao ai đó có thể thấy đau khi bóng mình bị người khác dẫm lên .

 Ðơn giản vì anh bạn còn trẻ. Khi người ta già, từng trải, nếm hết mọi cái vui, cái buồn của đời, người ta sẽ trở nên nhạy cảm hơn với nỗi đau của mình và của người khác. Vì trẻ, anh chưa thấy đau, thậm chí chưa bao giờ nghĩ nghiêm túc rằng cái bóng là một bộ phận không thể tách rời của anh. Tôi dám chắc nhiều khi anh chẳng chút băn khoăn để bóng anh rơi xuống chỗ bẩn?

Tôi gật đầu một cách thành thật.



                                              *

 Lần sau vào công viên, từ xa tôi thấy ông già đang ôm ngực, cúi người trên ghế đá. Chiếc bóng dưới chân không còn dài, màu cũng trở nên nhợt nhạt hơn. Nghĩa là bệnh ông nặng hơn. Vết rách trên chiếc bóng chắc rộng lắm, có thể đã lan khắp nơi. Hoặc sưng tấy, mưng mủ mà tôi không  thấy. Tôi ái ngại nhìn ông, lòng bứt rứt và không dám lại gần.

Lần sau nữa thì chẳng thấy ông đâu. Có lẽ ông đã chết. Chết vì vết thương tôi vô ý gây nên.

Từ ấy đến nay đã nhiều năm trôi qua, nhiều đến mức bản thân tôi cũng trở thành một ông già, thỉnh thoảng cũng ra công viên ngồi sưởi nắng. Tôi vẫn thường nghĩ tới ông già có chiếc bóng rách ấy với mặc cảm day dứt của người có lỗi.

Thỉnh thoảng cũng có người vô ý dẫm lên bóng tôi, nhưng tôi chưa bao giờ thấy đau. Việc này, thú thật, có làm tôi hơi buồn. Chẳng cắt nghĩa nổi vì sao, nhưng cứ buồn. Tôi không là người mê tín, không tin vào phép lạ và các chuyện ma quỉ. Ðến bây giờ tôi vẫn không hoàn toàn tin chuyện đã xẩy ra với ông già kia mà tôi có phần can dự. Nhưng cũng không hoàn toàn phủ nhận.

Chí ít thì sau cái chết của ông, bao giờ tôi cũng nhắc mình cẩn thận không để bóng rơi vào chỗ bẩn thỉu, không dẫm lên bóng người khác và cũng không để người khác dẫm lên bóng mình.


Hà Nội, 2003

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Bông Hồng Chưa Tặng

Truyện ngắn. Thái Bá Tân
Tám giờ kém mười. Lần nữa chuông rung dài phía trong Nhà Hát Lớn.

Mấy người đến muộn đang vội vã leo lên các bậc đá lát để đi qua chiếc cửa sắt nhỏ có bà soát vé to béo đứng cạnh, vừa xé vé vừa giục họ nhanh lên vì buổi diễn sắp bắt đầu. Đúng tám giờ, chiếc cửa sắt bị khóa. Bà kia lui sang bên, lơ đãng nhìn ra ngoài.

Cuối cùng, trước nhà hát chẳng còn ai ngoài mấy người bán hàng rong, một thanh niên mặc quần áo bộ đội vẫn ngồi trên yên xe đạp, chân chống xuống đất, một cô gái trẻ mặc áo khoác màu sáng luôn nhìn đồng hồ, đi lại vẻ sốt ruột, và tôi.
Tôi không đi lại, không sốt ruột vì chẳng chờ ai, chỉ buồn do không mua được vé vào nghe buổi hòa nhạc của một nghệ sĩ pianô nổi tiếng người Nga mà tôi hâm mộ.

Đang cuối tháng Hai, mới Tết xong và trời còn khá lạnh. Lại thêm chút mưa phùn lất phất, nhỏ thôi, và chỉ nhận thấy qua ánh sáng vàng nhạt của mấy cột đèn gần đó.

Anh thanh niên đã đạp xe đi. Cô gái vẫn nấn ná chờ người nhỡ hẹn. Tôi thì đứng ngay dưới cánh cửa sắt vì còn hy vọng biết đâu ai đấy vào phút chót có thể thừa vé nhượng lại.

Cô gái không đội mũ. Mái tóc phi-dê cắt ngắn xới phồng với những giọt nước li ti bám phía trên. Tôi ngạc nhiên thấy chúng có màu khác nhau. Tế nhị không nhìn lâu, nhưng khi cô đi ngang tôi cũng kịp nhận thấy một khuôn mặt rất xinh, hơi gầy và thanh thoát, có lẽ nhờ chiếc mũi thẳng và đôi mắt sâu. Một vẻ đẹp cổ điển, sang trọng của người có văn hóa. Mấy lần tôi định nhưng không dám hỏi mua lại một trong hai chiếc vé mà tôi tin chắc nàng đang giữ trong chiếc ví đầm đeo bên hông.

Bất chợt nàng đi lại gần tôi và nói, rất thản nhiên, giản dị:

“Anh có muốn đi dạo với em một chốc không?”

Lúc ấy tôi mới hai mươi tám tuổi, đã tập tãnh nghề văn và đang yêu. Tôi yêu một ca sĩ, nghiệp dư thôi nhưng đang nổi, ít ra mấy lần đoạt giải các cuộc thi văn nghệ phong trào. Nàng cũng xinh và chúng tôi yêu nhau thực sự. Có điều khác hẳn tôi, nàng không thích nhạc cổ điển nên chẳng bao giờ chúng tôi cùng vào Nhà Hát Lớn, mặc dù chiều nàng, tôi luôn có mặt ở những đêm ca nhạc tôi chẳng mấy thích thú.

Cô gái hơi lúng túng khi tôi, vì bối rối chưa biết trả lời thế nào. Tuy nhiên chi mấy phút sau chúng tôi đã sóng đôi đi dọc theo phố Tràng Tiền rồi vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm.

Thành phố ban đêm thật đẹp và yên tĩnh. Ánh điện hắt lên mặt hồ thành từng vùng tròn như những chiếc trứng tráng trong chảo. Phía nhà Thủy Tạ có mấy ngọn đèn xanh in ngược xuống nước thành hình những chiếc cọc, tất nhiên cũng màu xanh và run rẩy như muốn gãy khuỵu dưới sức nặng của chiếc quán hai tầng trên đó. Có tiếng kèn xắc-xô-phôn buồn buồn vọng lại, xuyên qua lớp sương mù màu trắng ẩm ướt.

Chúng tôi lặng lẽ đi một đoạn dài không ai nói gì. Cuối cùng tôi lên tiếng:

“Chị vừa chờ ai nhưng người ấy không tới?” 

“Em chờ chồng em”, nàng đáp, cũng rất tự nhiên. “Nhưng không sao,  em quen với cảnh này rồi”.

“Và để trả thù chồng, chị mời tôi, một người lạ đi dạo thế này?”

Nàng không đáp. Tôi cũng im, lấy làm tiếc đã hỏi điều đáng lẽ không nên hỏi. Tôi thấy lạ trước cách cư xử của nàng. Cứ như ở một nước phương Tây nào đó. Rõ ràng nàng không thuộc loại phụ nữ dễ dãi, chưa hẳn đã thích phiêu lưu, vì ở nàng tôi thấy có cái gì đó sạch sẽ và nghiêm túc. Thế thì sao nàng, một người có chồng như đã nói, lại chủ động mời tôi đi dạo? Có ẩn ý gì chăng? Nàng là ai và cần gì ở tôi?

Vì lúc ấy còn trẻ và đang bị trí tò mò kích thích, tôi chẳng băn khoăn nhiều với những câu hỏi như thế, chỉ thấy sung sướng được đi dạo cùng người đẹp trong một đêm Hà Nội mơ mộng.

Chúng tôi vào Thủy Tạ ăn kem, những hai suất. Nàng để tôi trả tiền không chút kiểu cách. Rồi chúng tôi thong thả đi thêm một vòng quanh hồ, sau khi quành sang phố Nhà Thờ, phố Hàng Trống và một đoạn phố Hàng Gai. Khi trở lại Nhà Hát Lớn thì vừa đúng mười giờ rưỡi, cũng là lúc buổi diễn kết thúc và lác đác đã có vài người đi ra. Tôi đề nghị được đưa nàng về nhà nhưng nàng lắc đầu.

Nàng chìa bàn tay nhỏ bé của mình cho tôi. Bàn tay mềm và ấm, lần đầu tôi được chạm vào nó.

“Anh dễ thương thật đấy. Suốt mấy tiếng đồng hồ không hỏi một câu ngốc nghếch nào. Em thích những người như vậy. Em cũng thích anh. Nếu anh hay đến nhà hát này thì chắc ta còn nhiều dịp gặp nhau. Tam biệt và cảm ơn!”

Rồi nàng bỏ đi, đến đứng chếch phía bên phải nhà hát. Lát sau có chiếc ô tô màu đen đi tới đưa nàng đi. Một cô gái kỳ lạ mà lúc ấy tôi chưa biết tên và cô cũng chưa biết tên tôi.

Không phải tôi không hỏi câu nào. Theo yêu cầu của tôi, nàng nói chồng nàng là một quan chức quan trọng, hơn nàng những hai mươi lăm tuổi. Và rằng nàng đồng ý lấy ông vì bố mẹ bắt thế chứ chẳng vì tình yêu. Tuy nhiên đó không phải lý do để nàng không quí trọng ông hoặc cảm thấy bất hạnh. Đơn giản nàng nghĩ một khi đã là vợ chồng thì phải cư xử theo đúng đạo vợ chồng. Xuất thân từ gia đình gia giáo, nàng nghĩ cần phải thế. Chỉ tiếc ông không hiểu và không coi trọng nghề nàng. Tôi hỏi nghề gì, nàng chỉ im lặng mỉm cười. Phần tôi, tôi nói đang yêu và cũng được yêu lại. Một cách xã giao và hơi kỳ cục, chúng tôi chúc nhau hạnh phúc. Ngoài ra không hỏi gì hơn về đời tư mỗi người.

Nửa tháng sau tôi lại vào Nhà Hát Lớn để xem vở ba-lê Giselle do một đạo diễn người Pháp giúp Việt Nam dàn dựng. Và lại gặp nàng. Không phải trước nhà hát mà trên sàn diễn. Hơn thế, trong vai chính, tức là nàng Giselle xinh đẹp phải chịu nhiều đau khổ trước khi tìm được hạnh phúc của mình như ở phần kết hầu hết các vở ba-lê khác.

Xem tờ rơi giới thiệu nội dung, tôi biết tên nàng là Lệ Trinh, một diễn viên trẻ đầy triển vọng của Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Trung ương, mới tốt nghiệp trường ba-lê danh tiếng nhất Liên Xô, ở chính thành phố tôi từng học trước đó mấy năm. Với cảm giác ngạc nhiên và hơi chút ít lâng lâng, suốt buổi diễn tôi chỉ ngắm nhìn một mình nàng trong bộ đồ ba-lê trắng mỏng tinh khiết. Cả người nàng cũng trắng mỏng tinh khiết. Nàng thoăn thoắt bước đi trên hai đầu ngón chân bé nhỏ, xen những cú nhảy nhẹ tưởng như không trọng lượng. Nàng đẹp một cách lộng lẫy. Cái đẹp hoàn thiện, thoát tục, đến mức trong tôi chỉ còn lại cảm giác ngưỡng mộ như khi người ta ngưỡng mộ một nữ thần. Thật khó tin mới chỉ mấy ngày trước đó tôi được nữ thần ấy mời đi dạo, thậm chí được chạm tay nàng.

Sau buổi diễn, đứng khuất phía xa trước nhà hát, tôi nhìn thấy nàng, vẫn  chiếc áo khoác hôm nọ, đang cùng một người đàn ông cao to mặc com-lê đen âu yếm dẫn nàng đến chiếc ô tô màu đen đợi sẵn. Chiếc ô tô chở nàng lần trước. Trong vở diễn nàng được chàng hoàng tử nâng trên đôi tay khỏe mạnh của mình, còn ngoài đời, nâng đỡ nàng là chiếc ô tô của chồng, chức vụ và có lẽ cả đôi tay cũng rất khỏe của ông ta. Tôi thở dài, thầm mỉm cười với sự so sánh ngồ ngộ ấy.
Tôi thờ thẩn bước đi giữa phố, đúng lộ trình tôi và nàng đã đi lần trước. Lần này trời quang đãng và đầy sao. Những ngôi sao khá lớn chen chúc trên mặt nước hồ Hoàn Kiếm. Tôi đứng hồi lâu trên cầu Thê Húc, tay vịn vào thành cầu đẫm hơi sương nhưng không hiểu sao lám nhám những hạt cát nhỏ. Tôi lờ mờ thấy mình đang yêu. Đúng, yêu nàng, nhưng là thứ tình yêu khác hẳn với tình yêu đối với cô ca sĩ nghiệp dư đang nổi. Một tình yêu trừu tượng, vô vọng và pha chút mặc cảm tội lỗi vì nàng đã có chồng.

Xưa nay ngoài sách, nhạc cổ điển là đam mê lớn nhất của tôi, nên hầu như tôi không bỏ sót buổi hòa nhạc nào loại này ở Hà Nội. Thậm chí thời sinh viên tôi từng mơ ước trở thành nhạc sĩ hoặc chỉ huy dàn nhạc giao hưởng.

Mấy hôm sau tôi lại có mặt ở Nhà Hát Lớn để nghe một chương trình nhạc Beethoven, gồm các bản giao hưởng số Một, số Sáu và khúc dạo đầu (ouverture) Coriolant. Lần này may tôi mua được vé, tất nhiên chỉ đi một mình.

Nàng xuất hiện đúng lúc tôi sắp bước vào nhà hát, mặc quần jeans, đi giày da và khoác trên người chiếc áo len rộng màu xanh nhạt. Tôi có cảm giác mặt nàng đỏ ửng, hơi thở gấp, có lẽ do trước đó phải chạy một quãng.

“Chào Lệ Trinh,” tôi lên tiếng trước, cố giấu vẻ hồi hộp. “Hôm nay chồng chị lại nhỡ hẹn nữa à?”

Nàng không ngạc nhiên khi tôi gọi đúng tên.

“Không. Em đi một mình. Em đến đây vì anh,” nàng đáp, cũng tự nhiên và giản dị như lần trước. “Anh có sẵn sàng bỏ buổi hòa nhạc để đi dạo với em không?”

Chúng tôi lại đi theo các phố cũ, có ghé vào Thủy Tạ nhưng không ăn kem mà uống cà phê, vừa uống vừa ngắm mặt hồ ban đêm và ôn chuyện Liên Xô. Dường như đề tài này làm hai người tự nhiên, thân mật hơn. Tịnh không một lời về đời riêng của nhau. Sau đó như lần trước, tôi đưa nàng trở lại nhà hát chỉ mấy phút trước khi ông chồng đánh ô tô đến đón nàng về.

Những tháng tiếp theo tôi còn mấy lần được nàng rủ đi chơi như thế. Mấy lần thấy ông chồng cùng nàng vào nhà hát. Tuy nhiên nàng chẳng tỏ ra thân mật hơn trước, ngoài việc tôi có thể giữ tay nàng lâu hơn, thậm chí một lần còn nâng lên hôn mà không bị rút lại. Thỉnh thoảng như vô tình, nàng hỏi chuyện tình yêu của tôi với cô kia, và tôi nói mọi chuyện vẫn bình thường. 

“Phải chăng nàng cũng yêu tôi, hay chẳng qua đó chỉ là trò đùa của những người xinh đẹp, giàu có và rất hiểu rõ địa vị mình?” Câu hỏi ấy cứ làm tôi băn khoăn mãi. Vốn hay mặc cảm và không muốn rơi vào thế lố bịch, dẫu rất yêu, tôi vẫn luôn tỏ ra kiềm chế, vì dẫu sao nàng cũng đã có chồng.

Một lần tôi còn chuẩn bị sẵn một bông hồng giấu trong cặp định tặng nàng, nhưng khi gặp lại không đủ can đảm trao nàng bông hồng ấy.

Sau đó, một thời gian rất lâu tôi không thấy nàng xuất hiện, cả trên sàn diễn lẫn trước cửa Nhà Hát Lớn. Linh tính báo có chuyện khác thường. Tôi nhờ người dò hỏi và được biết chồng nàng bị bắt cách đấy không lâu (vì lý do gì không rõ), đang bị giam đâu đó tận Tây Nguyên, và nàng đã bỏ hẳn vào đấy để chăm sóc ông.
              *  
   Từ đó tôi chẳng biết gì thêm về Lệ Trinh. Rồi mọi cái cũng qua đi, kể cả tình yêu của tôi với nàng, còn lại trong tôi chỉ là sự luyến tiếc mơ hồ như luyến tiếc một kỷ niệm đẹp. Tôi lấy vợ, có con, không phải lấy cô ca sĩ xinh đẹp không yêu nhạc cổ điển, cũng không phải vài người nữa tôi yêu sau đó. Cuộc đời dần dần đi vào nếp ổn định. Tôi lấy thế làm hài lòng và chẳng có gì phải than phiền. Tôi vẫn đều đặn vào Nhà Hát Lớn nghe hòa nhạc hoặc xem ba-lê. Chỉ những lúc ấy tôi mới nhớ đến Lệ Trinh, đặc biệt hôm đầu tiên thấy nàng trên sàn diễn trong vai cô gái Giselle xinh đẹp, tinh khiết và dường như không trọng lượng. Tôi cũng nhớ cả những đêm được đi dạo bên nàng hoặc phải lang thang một mình giữa các phố Hà Nội cho đến tận sáng như mọi chàng trai si tình khác. Rồi tôi thương cho nàng đáng lẽ được ông chồng to khỏe, đạo mạo, đầy chức quyền kia nâng trên tay đi hết cuộc đời, thì lại phải vào tận chốn rừng núi hoang vu miền Nam để nuôi ông, nâng cái cơ thể to khỏe kia của ông bằng chính đôi tay bé nhỏ của nàng, trên đôi chân đi những bước nhỏ bằng ngón kiểu ba-lê của nàng. Bây giờ nàng thế nào và đang ở đâu?
    
  *
Một hôm, bất ngờ tôi nhận được bức thư từ Mỹ. Thư của Lệ Trinh.

“Chắc anh không còn nhớ em và đang ngạc nhiên? Em là Lệ Trinh, người cùng anh mấy lần đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm cách đây đã nhiều năm.”
Nàng viết, vẫn bằng giọng tự nhiên, chân thành như xưa.

“Bây giờ, ở khoảng cách an toàn, rất xa cả về địa lý lẫn thời gian, em mới dám nói với anh điều này. Em yêu anh! Em đã rất yêu anh những ngày được gặp và không được gặp anh thời ấy. Anh không biết, hay đúng hơn, em không cho anh biết điều đó, vì em đã có chồng, còn anh thì đang yêu người khác. Dẫu mãnh liệt, tình cảm của em đối với anh đã không thắng được ý thức đạo nghĩa vợ chồng trong em. Vả lại em cũng không thể cho phép mình cướp đi hạnh phúc của cô gái anh yêu và yêu anh. Đối với em đó là những ngày hạnh phúc nhất, đáng sống nhất. Còn sau đó chỉ là một sự tồn tại, thuần túy một sự tồn tại theo các khuôn phép đạo đức do xã hội qui định.

Dù không yêu, em đã hết lòng tận tụy với chồng cho đến khi ông ấy chết bệnh trong tù. Sau đó em theo mấy người bạn vượt biên và hiện đang sống ở Mỹ. Em đã có chồng, có con, dường như có tất cả, chỉ trừ tình yêu. Anh là tình yêu duy nhất của em. Lẽ ra em đã có thể đến với anh nếu em đủ dũng cảm thoát khỏi những ràng buộc của qui ước xã hội.
Viết thư này, em không có mong muốn nào khác ngoài được bộc lộ với anh những suy nghĩ thầm kín của mình. Em những muốn, và đã cố, không bao giờ nói ra, nhưng không được.

Hãy tha thứ cho em.

Lệ Trinh.

PS. Xin anh đừng viết thư cho em. Điều ấy không cần thiết. Hơn thế, nó chỉ làm em thêm đau khổ.


Bức thư đề ngày... tháng... năm 1989. Mười lăm năm kể từ đêm tôi nhìn thấy nàng lần cuối.
            *    
Tháng Năm năm 2000, trong lần đi du lịch một tháng với vợ ở Mỹ, tôi tìm đến nhà nàng theo địa chỉ ghi trên bì thư. Tất nhiên một mình. Tôi không có ý định gặp hay trò chuyện với nàng vì nàng không muốn điều ấy. Đơn giản chỉ muốn được nhìn qua ngôi nhà nàng đang sống. Đứng từ xa mà nhìn. Đó là một ngôi nhà nhỏ, bình thường như bao ngôi nhà khác xung quanh ở ngoại ô thành phố Raleigh, tiểu bang North Carolina. Nhà đóng cửa, chỉ hai ô cửa sổ là không, nhưng được che bằng những chiếc mành trắng mỏng. Tôi thong thả đi hai lần qua ngôi nhà ấy, ngồi xuống cạnh gốc cây đối diện, hút hết một điếu thuốc rồi trở về khách sạn.

Tháng trước, tôi lại nhận được một bức thư nữa từ Mỹ. Bức thư chỉ mấy dòng, được viết bằng nét chữ đàn ông rắn rỏi, gần như tô từng nét.

“Theo yêu cầu của người đã khuất, tôi xin báo ông biết rằng vợ tôi, bà Lệ Trinh, đã từ trần ngày...vì nhồi máu cơ tim. Vợ tôi cũng nhờ nói lại rằng bà ấy đã nhìn thấy ông ngồi hút thuốc trước nhà chúng tôi cách đây hơn hai năm. John Nguyen Van Bach.”
     *              
Đó là toàn bộ câu chuyện về Lệ Trinh mà chắc tôi sẽ không bao giờ viết ra nếu không nhận được bức thư ngắn này của chồng nàng. Tôi chẳng còn gì để nói thêm, ngoài việc nếu có dịp tới Mỹ lần nữa, nhất định tôi sẽ tìm đến mộ nàng để đặt lên đó bông hồng năm nào tôi định tặng.
 Hà Nội, 2004.